Truyền thuyết Thánh Gióng
Được đăng bởi Ban Quản trị    06/09/2017 13:50

Chủ đề đánh giặc cứu nước thắng lợi là chủ đề lớn, cơ bản, xuyên suốt lịch sử văn học Việt Nam nói chung, văn học dân gian Việt Nam nói riêng. Thánh Gióng là truyện dân gian thể hiện rất tiêu biểu và độc đáo chủ đề này. Truyện kể về ý thức và sức mạnh đánh giặc có từ rất sớm của người Việt cổ.

Truyện Thánh Gióng còn được gọi là Ông Gióng hoặc Phù Đổng thiên vương, kể về Thánh Gióng có công dẹp giặc Ân xâm lược, giữ gìn độc lập tự do cho nhân dân, tiêu biểu cho tinh thần và truyền thống yêu nước Việt Nam. Có mầm mống từ thời Hùng Vương, tiếp tục được sáng tạo lưu truyền vào các thời đại sau, truyện đã phát triển từ hẹp đến rộng, thu hút và đồng hoá nhiều sự tích khác, đi từ truyện về anh hùng bộ lạc đến truyện về anh hùng dân tộc, có ý nghĩa khái quát và tổng hợp lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta. Thánh Gióng thể hiện tập trung chủ đề đánh giặc cứu nước, thuộc loại tác phẩm hay nhất cho chủ đề này. Hình ảnh Thánh Gióng phá giặc Ân trở thành biểu tượng kì vĩ, sinh động của sức sống dân tộc, nêu cao ý chí, tài năng và sức mạnh vùng lên của một tập thể cộng đồng tuy nhỏ nhưng kiên quyết đánh bại mọi kẻ thù xâm lăng lớn mạnh.

Thánh Gióng có nhiều chi tiết nghệ thuật hay và đẹp, chứng tỏ tài năng sáng tạo của tập thể nhân dân ở nhiều nơi, nhiều thời. Câu chuyện dân gian này đóng vai trò quan trọng trong việc giáo dục lòng yêu nước và bảo vệ truyền thống anh hùng dân tộc qua các thời đại cho đến ngày nay.

Truyện Thánh Gióng có nhiều dị bản
           Có thể tìm hiểu thêm văn bản truyện này trong Việt điện u linh của Lí Tế Xuyên, Lĩnh Nam chích quái của Vũ Quỳnh – Kiều Phú, Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam của Nguyễn Đổng Chi, v.v… Đặc biệt, cần tìm đọc thêm những câu chuyện dân gian vùng trung châu về Gióng và các nhân vật liên quan đến Gióng (chương “Đất nước vùng trung châu kể chuyện ông Dóng”, trong sách Người anh hùng làng Dóng, Cao Huy Đỉnh, Nxb Khoa học xã hội, 1969). Cần chú ý: ngoài truyện, nhân dân còn kể về Thánh Gióng bằng thơ, vè. Thánh Gióng đã trở thành một hình tượng luôn có mặt trong lịch sử văn học Việt Nam. Ví dụ :

– Bảy nong cơm, ba nong cà

Uống một hơi nước, cạn đà khúc sông.

– Đứa con trai nọ

Thật rõ lạ đời

Chẳng nói chẳng cười

 Bỗng người lớn tướng

Hay là nghiệp chướng

Hay tướng trời sinh (…)

Gióng hay Dóng?

Từ quan niệm: vì tất cả những tên từ Đùng, Đổng, Dóng đến Giơn, Di-ông, … (các nhân vật trong thần thoại Việt và Ba-na) có liên quan với nhau, Cao Huy Đỉnh đã dùng D để viết tên Dóng. Một số người khác dùng Gi để viết tên Gióng, vì từ Gióng có những nghĩa sau đây liên quan đến nhân vật :

– Gióng: Gióng tre ;

– Gióng: Đánh mạnh và liên tục thành từng hồi ;

– Gióng: Thúc ngựa đi.

Mỗi quan niệm trên đều có cơ sở nhất định.

Khảo cổ học đã chứng minh sự thật lịch sử liên quan đến truyện Thánh Gióng ở mấy điểm sau đây :

– Vào thời đại Hùng Vương, chiến tranh tự vệ ngày càng trở nên ác liệt, đòi hỏi phải huy động sức mạnh của cả cộng đồng.

– Số lượng và kiểu loại vũ khí của người Việt cổ tăng lên từ giai đoạn Phùng Nguyên đến giai đoạn Đông Sơn.

– Vào thời Hùng Vương, cư dân Việt cổ tuy nhỏ nhưng đã kiên quyết chống lại mọi đạo quân xâm lược lớn mạnh để bảo vệ cộng đồng.

Gióng sinh ra kì lạ

Mẹ Gióng có thai Gióng không bình thường. Bà ướm chân mình vào vết chân khổng lồ rồi mang thai; lại có thai không phải chín tháng mười ngày mà mười hai tháng. Sự sinh nở thần kì, ta vẫn thường thấy trong truyện cổ dân gian. Chẳng hạn, truyện dân gian kể, lúc Lê Lợi sinh ra có ánh sáng đỏ đầy nhà, mùi hương lạ khắp xóm; còn Nguyễn Huệ, khi ra đời, có hai con hổ chầu hai bên. Người anh hùng trong truyện dân gian thường xuất hiện từ “một quan hệ tính chất thần thoại” (Mác), là con của tự nhiên và một bà mẹ. Những chi tiết hoang đường kể về Gióng như thế là cách dân gian tưởng tượng ra để nhân vật của mình trở thành phi thường. Nhân dân muốn tạo những nét kì lạ, biểu hiện niềm yêu mến, sự tôn kính với nhân vật và tin rằng nhân vật đã ra đời kì lạ thì tất cũng lập chiến công kì lạ.

Vết chân bà mẹ Gióng giẫm vào, một số dị bản kể, là của Lạc Long Quân, một số khác lại kể là của ông Đồng – vị thần thiên nhiên khổng lồ. Gióng được coi như đứa con của những vị thần tượng trưng cho khí thiêng sông núi, tổ tiên của dân tộc. Bà mẹ Gióng là dân thường, đã đặt Gióng vào cuộc sống bình thường, dân dã của nhân dân. Điều đó cũng có nghĩa, Gióng là hiện thân của tập thể cộng đồng ngay từ khi mới xuất hiện.

Gióng lớn lên cũng kì lạ

Ba năm, Gióng không nói không cười, chỉ nằm im lặng. Nhưng bắt đầu cất lên tiếng nói thì đó là tiếng nói yêu nước, cứu nước. Tiếng nói ấy không phải là tiếng nói bình thường. Chi tiết thần kì này mang nhiều ý nghĩa :

– Ca ngợi ý thức đánh giặc, cứu nước trong hình tượng Gióng. “Không nói là để bắt đầu nói thì nói điều quan trọng, nói lời yêu nước, lời cứu nước”. Ý thức đối với đất nước đặt lên đầu tiên với người anh hùng.

– Ý thức đánh giặc, cứu nước tạo cho người anh hùng những khả năng, hành động khác thường, thần kì.

– Gióng là hình ảnh nhân dân. Nhân dân, lúc bình thường thì âm thầm, lặng lẽ, như không biết gì đến việc nước, cũng giống như Gióng ba năm không nói, chẳng cười. Nhưng khi nước nhà gặp cơn nguy biến, thì họ rất mẫn cảm, đứng ra cứu nước đầu tiên, cũng như Gióng, vua vừa kêu gọi, đã đáp lời cứu nước, không chờ đến lời kêu gọi thứ hai.

Gióng lớn nhanh như thổi, “cơm ăn mấy cũng không no, áo vừa mặc đã căng đứt chỉ”. Dị bản khác liên quan đến chi tiết này kể rằng khi Gióng lớn, ăn thì những “Bảy nong cơm, ba nong cà”, còn uống thì “Uống một hơi nước, cạn đà khúc sông”, mặc thì vải bô không đủ, phải lấy cả bông lau che thân mới kín được người. Gióng lớn lên bằng những thức ăn thức mặc nhân dân. Sức mạnh dũng sĩ của Gióng được nuôi dưỡng từ những cái bình thường, giản dị. Tất cả dân làng đùm bọc, nâng niu, nuôi nấng. “Nhân dân ta rất yêu nước, ai cũng mong Gióng lớn nhanh đánh giặc cứu nước. Gióng đâu còn là con chỉ của một bà mẹ, mà là con của mọi người, của nhân dân. Một người cứu nước sao đặng? Phải toàn dân góp phần chuẩn bị cho sức mạnh đánh giặc. Có vậy, khả năng đánh giặc, cứu nước mới lớn lên mau chóng. Gióng tiêu biểu cho sức mạnh toàn dân đó.” (Lê Trí Viễn)

Gióng đòi sứ giả tâu với vua rèn ngựa sắt, roi sắt, áo giáp sắt để đánh giặc. Rõ ràng là, để Gióng lớn, đánh thắng giặc, dân tộc phải chuẩn bị từ những cái bình thường như cơm, cà, lại phải đưa cả những thành tựu kĩ thuật, văn hoá của thời đại (ngựa sắt, áo sắt, nón sắt) vào cuộc chiến đấu. Hình ảnh từ nhà vua cho đến dân làng lo cho Gióng chính là hình ảnh một cuộc chuẩn bị hùng vĩ, tích cực của dân tộc trước hoạ ngoại xâm. Ngày nay, ở Hội Gióng, nhân dân vẫn tổ chức cuộc thi nấu cơm, hái cà nuôi Gióng. Đây là hình thức tái hiện quá khứ rất giàu ý nghĩa. “Người anh hùng Thánh Gióng là kết tinh của mọi khả năng anh hùng trong thực tiễn: quần chúng, công cụ, sản phẩm, vũ khí… Người anh hùng ở đây vừa là tổng số, vừa là một tổng hợp của các lực lượng. Tính cách anh hùng được tích tụ tới mức tối đa ý nghĩa tập thể của nó. Như vậy là tất yếu nó phải trở thành khổng lồ mới chứa đựng nổi tất cả lí tưởng và thực tiễn của tập thể (Cao Huy Đỉnh – Người anh hùng làng Gióng).

Gióng vươn vai ra trận

Giặc đến. Thế nước rất nguy. Chú bé Gióng đã vươn vai đứng dậy, biến thành tráng sĩ, mình cao hơn trượng, oai phong lẫm liệt. Sự vươn vai của Gióng có liên quan đến mô-típ truyền thống của truyện cổ dân gian. Thời cổ, nhân dân quan niệm người anh hùng phải khổng lồ về thể xác, sức mạnh, chiến công. Thần Trụ Trời và Sơn Tinh… đều là những nhân vật khổng lồ. Cái vươn vai của Gióng là đề đạt đến sự phi thường ấy.

Trong truyện, dường như việc cứu nước có sức mạnh làm cho Gióng lớn lên. Không lớn lên nhanh thì làm sao đáp ứng được nhiệm vụ cứu nước? Cuộc chiến đấu đòi hỏi dân tộc ta phải vươn mình phi thường như vậy. Gióng vươn vai là tượng đài bất hủ về sự trưởng thành vượt bậc, về hùng khí, tinh thần của một dân tộc, một quốc gia trẻ trung trước vận nước lâm nguy. Khi lịch sử đặt ra vấn đề sống còn cấp bách, khi tình thế đòi hỏi dân tộc vươn lên một tầm vóc phi thường thì dân tộc vụt lớn dậy như Thánh Gióng, tự mình thay đổi tư thế, tầm vóc của mình.

Quang cảnh Gióng ra trận rất hùng vĩ, hoành tráng. Tất cả sức mạnh của ý chí cộng đồng, của thành tựu lao động, văn hoá được bộc lộ trong cuộc đối đầu với kẻ thù: ngựa sắt phun ra lửa, giáp sắt, nón sắt chở che cho người anh hùng, roi sắt dân dã, rất Việt Nam, cũng xuất hiện. Gậy sắt gãy, Gióng nhổ tre bên đường đánh giặc. Gióng đánh giặc cả bằng cây cỏ đất nước, bằng những gì có thể tiêu diệt được giặc. Lại nhớ lời kêu gọi toàn quốc chống Pháp của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Ai có súng dùng súng, ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc”.

Dân gian còn kể rằng Gióng đánh giặc không đơn độc; có rất nhiều người đi theo, từ đoàn trẻ chăn trâu, rước cờ lau đến người đang đập đất, từ những người thợ rèn, đến những người đang câu cá… Hình tượng Gióng càng tập hợp, khái quát rộng lớn, hoành tráng sức mạnh của tập thể cộng đồng. Giặc vỡ, chết như rạ. Lĩnh Nam chích quái kể: giặc Ân khiếp sợ, 644 năm sau không dám cất quân. Chiến công của Gióng là cuộc đại phá ngoại xâm đầu tiên trong truyền thuyết dân tộc. Truyện Thánh Gióng xứng đáng được coi là bản anh hùng ca lớn thời cổ đại Việt Nam.

Gióng bay lên trời. Dấu xưa còn lại

Dẹp giặc tan, Gióng đến chân núi Sóc, cởi áo sắt để lại, rồi cả người lẫn ngựa bay lên trời. Đây là mô-tip “Ngài hoá” của truyền thuyết dân gian. Gióng ra đời đã phi thường thì ra đi cũng phi thường. Nhân dân trân trọng, yêu mến, muốn giữ mãi hình ảnh người anh hùng, nên đã để cho nhân vật trở về với cõi vô biên bất tử, để nhân vật sống mãi. Đó là phần thưởng cao nhất, đẹp nhất trao tặng người anh hùng. Hình tượng Gióng đã được bất tử hoá. Bay lên trời, Gióng hoá rồi. Gióng là non nước, đất trời, là mọi người Văn Lang, Gióng sống mãi.

Đánh giặc xong, Gióng không về để nhận phần thưởng, không hề đòi hỏi công danh. “Gióng sinh ra im lặng, cứu nước xong trở về với chỗ lặng im. Đơn giản, cảm động, đẹp đẽ biết bao nhiêu. Anh hùng như thế mới thật anh hùng, thật vĩ đại. Cũng như nhân dân, đuổi giặc xong lại trở về với luống cày, với đồ nghề của mình, không chờ khen thưởng, lợi danh gì.” (Lê Trí Viễn)

Dấu tích của chiến công, Gióng để lại cho quê hương, xứ sở. Sự tích Thánh Gióng còn để lại nhiều chứng tích địa danh, sản vật. Đó là dấu vết ngựa sắt phun ra lửa làm nên màu tre đằng ngà vàng óng, dấu chân ngựa thành những ao hồ chi chít. Nhân dân còn kể chỗ nào Gióng bắt đầu xuất quân; chỗ nào đoàn trẻ chăn trâu, người thợ rèn đi theo Gióng; chỗ nào Gióng nhổ bụi tre khổng lồ. Hội Gióng hằng năm cũng dựng lại cảnh không khí dân làng nuôi Gióng, bức tranh Gióng ra trận. Tất cả những chứng tích ấy như những viện bảo tàng thiên nhiên, bảo tàng lịch sử, bảo tàng văn hoá về Gióng, như muốn minh chứng rằng câu chuyện có thật, làm mọi người tin vào truyền thống giữ nước của dân tộc.

Ý nghĩa của hình tượng Thánh Gióng

– Gióng là hình tượng tiêu biểu, rực rỡ của người anh hùng đánh giặc giữ nước. Trong văn học dân gian Việt Nam nói riêng, văn học Việt Nam nói chung, đây là hình tượng người anh hùng đánh giặc đầu tiên, rất tiêu biểu cho lòng yêu nước của nhân dân ta.

– Gióng là người anh hùng mang trong mình sức mạnh của cả cộng đồng ở buổi ban đầu dựng nước: sức mạnh của tổ tiên thần thánh (sự ra đời thần kì); sức mạnh của tập thể cộng đồng (bà con làng xóm góp gạo nuôi Gióng); sức mạnh của thiên nhiên, văn hoá, kĩ thuật (núi non khắp vùng trung châu, tre và sắt).

– Cũng như Sơn Tinh, Thánh Gióng không phải là nhân vật có thật nhưng lại rất thật ở cơ sở thực tiễn và ý nghĩa của hình tượng. Thánh Gióng hiện ra như một con người, một anh hùng cụ thể, song hình ảnh đó chính là biểu tượng về tinh thần yêu nước, sức mạnh, ý chí của cả tập thể cộng đồng trong công cuộc chống ngoại xâm. Phải có hình tượng khổng lồ, đẹp và khái quát như Thánh Gióng mới nói được lòng yêu nước, khả năng và sức mạnh quật khởi của dân tộc. Ở nước ta, “từ cụ già đầu tóc bạc phơ đến đứa trẻ miệng còn hôi sữa” đều yêu thích truyện này. Cho đến nay, truyện vẫn còn đầy giá trị, ý nghĩa.

 

Xem thêm