Đề thi thử THPT quốc gia môn Văn (lần I) Sở GD-ĐT Thanh Hóa (có đáp án)
Được đăng bởi Ban Quản trị    08/12/2017 10:48
SỞ GD VÀ ĐT THANH HÓA
TRƯỜNG THPT LAM KINH
        ĐỀ THI THỬ THPT QUỐC GIA LẦN I                  
                        NĂM HỌC 2016- 2017
                    MÔN NGỮ VĂN LỚP 12
 (Thời gian 120 phút- không kể thời gian giao đề)

 

 Phần I. Đọc hiểu (3,0 điểm)

          Sau khi điện thoại Bphone - sản phẩm công nghệ đầu tiên của người Việt Nam được nhà sản xuất BKAV giới thiệu là "chiếc điện thoại thông minh", "siêu phẩm hàng đầu thế giới"… thì đã gặp không ít những dư luận trái chiều, chính người Việt chê bai sản phẩm của người Việt. Thậm chí có người còn đưa ra trò đùa quái ác, cụ thể là có thành viên trên cộng đồng mạng, sau khi nói những lời lẽ mang tính chất dìm hàng Việt không thương tiếc, anh ta đã đăng tải lên Facebook hình ảnh hóa đơn xác nhận việc anh hủy đặt mua 5 chiếc Bphone (phiên bản Mạ vàng 24K-128 GB) trị giá tổng 112.045.000 VND như một "chiến tích" để đời. Không những vậy, người này còn kêu gọi nhiều người khác làm theo hành động của mình. Một thanh niên khác cũng coi việc đặt mua và hủy đơn hàng điện thoại Bphone là một trào lưu giải trí và cũng bày "kinh nghiệm" cho những ai muốn tham gia quấy phá sản phẩm của hãng BKAV.          

                   Nhưng bên cạnh đó cũng không ít người cho rằng Bphone là niềm tự hào của người Việt Nam, nếu có điều kiện nên mua hàng Việt, thay vì chỉ trích hãy ủng hộ khuyến khích…

                                                                                     (Nguồn Intenet)

Câu 1: Xác định phong cách ngôn ngữ chức năng của đoạn trích trên? (0,5đ)

Câu 2:Suy nghĩ của anh/chị về hành động "chọc phá" của một số người trong đoạn trích đó? (0,75đ)

Câu 3:Anh/chị có đồng tình với quan điểm của không ít người "Bphone là niềm tự hào của người Việt" không? Tại sao? (0,75đ)

Câu 4:Thông điệp gợi ra từ ý kiến: Nếu có điều kiện nên mua hàng Việt? (1,0đ)

 

Phần II. Làm văn: ( 7 điểm)

Câu 1 (2.0 điểm)

       Từ văn bản trong phần Đọc hiểu nói trên, anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của mình về vấn đề: Văn hóa chỉ trích của người Việt.

Câu 2( 5.0 điểm)

   Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm đã nói: “ Tôi cố gắng thể hiện hình ảnh Đất Nước giản dị, gần gũi nhất. Đó là cách để đi vào lòng người, đồng thời cũng là cách để tôi đi con đường riêng của tôi không lặp lại người khác.”

   Anh/chị hãy chỉ rõ con đường riêng của Nguyễn Khoa Điềm khi ông khắc hoạ hình tượng Đất Nước qua đoạn thơ sau:

Khi ta lớn lên Đất Nước đã có rồi

Đất Nước có trong những cái “ngày xửa ngày xưa”…

                                                                        mẹ thường hay kể.

Đất Nước bắt đầu với miếng trầu bây giờ bà ăn

Đất Nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặc

Tóc mẹ thì bới sau đầu

Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn

Cái kèo, cái cột thành tên

Hạt gạo phải một nắng hai sương xay, giã, giần, sàng

Đất Nước có từ ngày đó…

       (Đất Nước-Trích trường ca Mặt đường khát vọng, Nguyễn Khoa Điềm, Ngữ văn 12, Tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2012, tr.118 )

 

                                                                      Hết

 

Đáp án - Thang điểm

I.ĐỌC HIỂU(3,0đ)

Câu 1. Văn bản trên thuộc PCNNCN: Báo chí (0,5đ)

Câu 2. Hành động "chọc phá" của một số người nói trên thể hiện: Sự kém cỏi về nhận thức, ích kỉ, đố kị ganh ghét với thành công của người khác và không có tinh thần tự tôn dân tộc. (0,75đ)

Câu 3. Thí sinh có thể đồng tình hay không đồng tình. (0,75đ)

- Nếu đồng tình với quan điểm trên, thì lí giải:Vì lần đầu tiên người Việt Nam mà đại diện là tập đoàn BKAV sản xuất ra được một sản phẩm công nghệ thông minh, có thể cạnh tranh được với các hãng điện thoại lớn hiện nay, cao hơn, nó cho thấy trí tuệ Việt Nam rất đáng tự hào, nếu biết khai thác Việt Nam sẽ là một quốc gia phát triển trong lĩnh vực công nghệ.

- Nếu không đồng tình thì phải có nhứng lí giải hợp lí, thuyết phục.

Câu 4. Thông điệp gợi ra có thể là: Người Việt Nam hãy tích cực ủng hộ, khuyến khích cho Bphone cũng như hàng Việt nói chung. Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam để giúp các doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong nước phát triển, để dân giàu nước mạnh, đó là thể hiện lòng yêu nước trong bối cảnh hiện nay. ( 1,0đ)

 II. LÀM VĂN ( 7,0 điểm)

Câu 1. Viết một đoạn văn ngắn(khoảng 200 chữ trình bày suy nghĩ của anh/ chị về vấn đề Văn hóa chỉ trích của người Việt) (2,0đ)

 a. Đảm bảo cấu trúc của một đoạn văn nghị luận 200 chữ ( tổng – phân – hợp).

- Có đủ kết cấu của đoạn văn gồm: mở đoạn, phát triển đoạn, kết đoạn.

+Phần mở đoạn: Giới thiệu được vấn đề nghị luận.

+Phần phát triển đoạn: Triển khai được vấn đề nghị luận.

+Phần  kết đoạn: Rút ra được bài học nhận thức và hành động cho bản thân.

b. Xác định đúng vấn đề nghị luận: Văn hóa chỉ trích của người Việt (0,25đ)

  1. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm; vận dụng tốt các thao tác lập luận; kết hợp chặt chẽ giữ lý lẽ và dẫn chứng; rút ra biện pháp khắc phục hiện tượng.

* Câu mở đoạn: Dẫn ý liên quan đến hiện tượng Văn hóa chỉ trích của người Việt.(0,25đ)

* Các câu phát triển đoạn:(0,25đ)

 -  Giải thích:Văn hóa chỉ trích được hiểu là trình độ nhận thức, văn hóa của con người khi phê phán những khiếm khuyết, sai lầm của ai đó.

 -  Bàn luận: Thực trạng văn hóa chỉ trích của người Việt:(0,25đ)

   + Một bộ phận người có học thức phê phán đúng lúc đúng chỗ, đúng mức độ,có cơ sở thuyết phục, thiện chí góp phần không nhỏ vào việc thúc đẩy sự tiến bộ xã hội.

  + Nhưng một bộ phận người Việt đặc biệt người Việt trẻ hiện nay có biểu hiện thái quá:Có cái nhìn phiến diện; Lời nói: thiếu văn hóa; Hành động: Chọc phá, gây thiệt hại và tổn thương cho người khác, xã hội…

- Nguyên nhân:(0,25đ)

    +Do nhận thức kém, thiếu hiểu biết về các vấn đề của cuộc sống, của xã hội.

    + Thiếu một cái nhìn công tâm, khoa học và biện chứng khi nhìn nhận đánh giá sự việc hay con người.

-  Hậu quả:(0,25đ)

    + Chỉ trích thiếu văn hóa làm cho người bị chỉ trích bị tổn thương, thiếu niềm tin vào cuộc sống.

   +Làm thui chột ý chí và tài năng sáng tạo của con người.

   + Làm xấu hình ảnh Đất nước, con người Việt Nam trong con mắt bạn be quốc tế,

(Tuy nhiên, xã hội vẫn có hiện tượng một số người muốn nổi tiếng nhờ tai tiếng khiến dư luận bức xúc nên mọi sự chỉ trích không hoàn toàn sai)

- Câu kết đoạn: đưa ra  bài học nhận thức hành động:(0,25đ)

 + Chỉ trích là động lực thúc đẩy sự phát triển của xã hội

 +Cần nâng cao văn hóa chỉ trích cho mỗi người

 d. Sáng tạo: Có cách diễn đạt sáng tạo, thể hiện suy nghĩ sâu sắc mới mẻ về vấn đề nghị luận. (0,25đ)

 e.Chính tả, dùng từ, đặt câu: Đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu

Câu 2 a.Yêu cầu về kĩ năng:(0,25đ)

-  Thí sinh biết kết hợp kiến thức và kĩ năng về dạng bài nghị luận văn học bàn về một ý kiến để tạo lập văn bản. Bài viết phải có bố cục đầy đủ, rõ ràng; văn viết có cảm xúc; thể hiện khả năng cảm thụ văn học tốt; diễn đạt trôi chảy, bảo đảm tính liên kết, lôgic chặt chẽ.

b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Nhà thơ đã xây dựng hình ảnh một Đất nước giản dị, quen thuộc với tất cả mọi người.(0,25đ)

c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm:  thể hiện sự cảm nhận sâu sắc và vận dụng tốt các thao tác lập luận để triển khai các luận điểm ( trong đó sử dụng các thao tác giải thích, phân tích, chứng minh, so sánh, bình luận), biết kết hợp giữa nêu lí lẽ và dẫn chứng.(0,25đ)

Cụ thể:

1.Giới thiệu khái quát tác giả, tác phẩm và vấn đề nghị luận.(0,25đ)

- Nguyễn Khoa Điềm là một trong những cây bút xuất sắc của thế hệ thơ trẻ trong những năm kháng chiến chống Mỹ.   Thơ Nguyễn Khoa Điềm hấp dẫn bởi sự hòa điệu giữ cảm xúc nồng nàn và suy tư sâu lắng.

- “Đất Nước” trích chương V trường ca Mặt đường khát vọng ra đời 1971. Qua bài thơ  Nguyễn Khoa Điềm  đã xây dựng hình ảnh một Đất nước giản dị, quen thuộc với tất cả mọi người.

- Đoạn thơ là 9 câu đầu: Suy tư để trả lời cho câu hỏi: Đất Nước có từ bao giờ?

2. Giải thích ý kiến: Ý kiến này khẳng định: nhà thơ đã xây dựng hình ảnh một Đất nước giản dị, quen thuộc với tất cả mọi người chứ không phải là một Đất nước kì vĩ, xa xôi.  (0,5đ)

 3. Phân tích, chứng minh

a. Hình ảnh đất nước đã được nhiều nhà thơ khắc hoạ. Hình ảnh đất nước tươi đẹp, hiền hòa, đất nước đau thương mà anh dũng. (Hs điểm tên một số tác giả, tác phẩm)(0,5đ)

b. Cách riêng của Nguyễn Khoa Điềm là thể hiện hình ảnh Đất Nước: Đất Nước có từ xa xưa, nhưng xa mà gần vì nó hiện hữu ngay trong cuộc sống thường nhật của mỗi con người(2,0đ)

- Nhà thơ không dùng niên đại và sự kiện lịch sử để nói về đất nước, mà dùng giọng điệu quen thuộc của cổ tích bắt đầu bằng ‘‘ngày xửa ngày xưa…(0,5đ)

- Sự ra đời của Đất nước gắn với sự ra đời của những truyện cổ tích, truyền thuyết, của phong tục ăn trầu và tập quán búi tóc sau đầu, của lối sống chung thủy tình nghĩa, của truyền thống chống ngoại xâm kiên cường và bền bỉ, của truyền thống lao động cần cù, của cách ăn cách ở trong sinh hoạt…(0,75đ)

      Nói cách khác, sự ra đời của Đất nước gắn liền với sự hình thành văn hóa, lối sống, phong tục tập quán của người Việt Nam, gắn với đời sống gia đình. Những gì làm nên Đất nước cũng là những gì làm nên điệu hồn dân tộc, làm nên sự sống của mỗi người. Vì vậy mà Đất nước hiện lên vừa thiêng liêng, tôn kính, lại vừa gần gũi, thân thiết.

=> Tác giả đã cảm nhận đất nước trong chiều sâu văn hóa – lịch sử và trong cuộc sống đời thường của mỗi con người..

-  Điều đặc biệt của Nguyễn Khoa Điềm là đã nói về sự ra đời của Đất Nước bằng một cách nói giản dị đến bất ngờ. Đó là: (0,75đ)

+ Sử dụng nhuần nhuyễn, sáng tạo chất liệu văn hóa dân gian (dùng những hình ảnh gần gũi trong cuộc hằng ngày, những tình cảm gia đình thân thương, những hình ảnh quen thuộc của ca dao, cổ tích, truyền thuyết…). Tác giả chỉ bắt lấy linh hồn của những câu chuyện, những phong tục…để từ đó đem đến cho người đọc những trường liên tưởng sâu xa. Vì vậy mà Đất nước trong mỗi người đẹp một cách riêng đồng thời ĐN hiện lên trong tâm thức người đọc cả một chiều dài văn hóa.

+ Kết hợp chất trữ tình và chính luận. Giọng thơ trữ tình trầm lắng, cảm xúc dồn nén. Nén trong từng câu chữ là vốn sống, vốn văn hóa, tình yêu Đất nước.

+ Ngôn ngữ dung dị.

4. Đánh giá (0,5đ)

 - Nét riêng này đánh dấu sự tài hoa trong ngòi bút của nhà thơ. Bởi vậy, mỗi nhà thơ khi sáng tạo cần tạo cho mình một lối đi riêng, đó là con đường duy nhất để khẳng định tên tuối của nhà thơ, sức sống của tác phẩm,

- Tác phẩm thực sự có khả năng thức tỉnh, khơi gợi , lắng đọng trong lòng độc giả

d. Sáng tạo: Có cách diễn đạt sáng tạo, thể hiện suy  nghĩ sâu sắc, mới mẻ về vấn đề cần nghị luận. (0,25đ)

e. Chính tả, dùng từ, đặt câu: Đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ đặt câu. (0,25đ)

Xem thêm