5 phương pháp ghi chú hiệu quả
Được đăng bởi Ban Quản trị    23/10/2018 13:52
Mới nhìn vào mà đã thấy các dòng ghi chú lộn xộn, nơi này một câu, nơi kia một câu, không rõ ràng thì khó mà có hứng học hành được. Chữ đẹp hay không không phải là vấn đề, quan trọng là cách sắp xếp các phần ghi chú thế nào.

Một trong những cách hiệu quả nhất để nhớ và hiểu bài trên lớp đó là ghi chú sao cho hiệu quả ngay trên lớp học.

TẠI SAO KĨ NĂNG GHI CHÚ HIỆU QUẢ LẠI QUAN TRỌNG NHƯ THẾ?

Ghi chú đúng cách sẽ giúp bạn nhớ được các khái niệm, phát triển các kĩ năng có ích cho việc học và hiểu bài sâu hơn. Ghi chú hiệu quả còn giúp giảm bớt áp lực khi sắp có bài kiểm tra.

Học cách ghi chú hiệu quả trên lớp sẽ giúp bạn nhớ lại và hiểu được những gì đã học vì:

• Chứng tỏ là bạn nghe giảng một cách chủ động
• Đòi hỏi bạn phải suy nghĩ mình đang viết gì
• Giúp bạn liên kết các bài học với nhau
• Làm tài liệu ôn bài sau giờ lên lớp

Sử dụng các phương pháp ghi chú khác nhau vô cùng quan trọng, đặc biệt khi chuyển tiếp từ bậc Phổ thông lên Đại học hoặc Cao đẳng. Có một số phương pháp ghi chú bạn có thể thử xem có phù hợp không.

1. Phương pháp Cornell

Phương pháp Cornell giúp sắp xếp các ghi chú trên lớp thành những phần tổng kết dễ nhớ, dễ học. Phương pháp này hiệu quả vì các ý chính, chi tiết, dẫn chứng trong bài và phần tổng kết đều được viết cùng một nơi.

ƯU ĐIỂM:
Các ghi chú được sắp xếp đâu ra đấy, dễ ôn lại
Rút ra được ý chính và khái niệm cần nhớ trong bài

CÁCH TRÌNH BÀY
Chia tờ giấy làm 3 phần: phần thứ nhất cách lề trái 2.5 inch (khoảng 6 cm), phần thứ hai là tổng kết, từ đáy tờ giấy trở lên 2 inch (khoảng 5 cm), 6 inch còn lại (khoảng 15 cm) là phần chính, dùng để ghi chú trên lớp.

1. Dùng phần chính để ghi chú trong suốt buổi học
2. Dùng phần gợi ý để ôn lại các ghi chú. Sau buổi học, hãy viết ra những gì cần ghi nhớ và lời nhắc nhở cho từng phần. Có thể dùng luôn phần này để ghi từ vựng và câu hỏi.
3. Ở phần tóm tắt dưới cùng, viết phần tổng kết cho toàn bộ ghi chú. Trong phần này, có thể dùng bút dạ làm nổi các ý chính lên.




2. Phương pháp lập sơ đồ

Phương pháp ghi chú bằng cách lập sơ đồ là một cách trực quan hơn trong việc sắp xếp các ghi chú trên lớp. Kĩ thuật này sẽ rất hữu ích khi muốn hệ thống lại mối liên hệ giữa các chủ đề.

ƯU ĐIỂM:
Sẽ trực quan hơn cho những ai gặp khó khăn với cách học bằng ghi chú.
Giúp ghi nhớ và liên kết các chủ đề.

CÁCH TRÌNH BÀY NHƯ THẾ NÀO?
Sắp xếp trang giấy theo chủ đề. Chủ đề chính phân nhánh thành các chủ đề phụ có chứa thông tin chi tiết.

CÁCH SỬ DỤNG
1. Trên lớp, dùng chủ đề chính để bắt đầu lập sơ đồ.
2. Phân nhánh chủ đề chính, viết tiêu đề cho từng chủ đề phụ
3. Viết các ghi chú quan trọng bên dưới mỗi chủ đề phụ.



3. Phương pháp phân bố cục

Phương pháp phân bố cục sử dụng tiêu đề và các dấu đầu dòng để sắp xếp các chủ đề. Phương pháp này phát huy tác dụng cao nhất khi học về các chủ đề có nhiều chi tiết.

ƯU ĐIỂM:
Các ghi chú được sắp xếp gọn gàng.
Dễ thấy được mối quan hệ giữa các chủ đề chính và phụ.
Dễ dàng biến các ý trong bài trở thành câu hỏi nghiên cứu bài.

CÁCH TRÌNH BÀY
Mỗi phần mở đầu bằng tiêu đề của một chủ đề chính. Mỗi chủ đề phụ và ý bổ trợ được viết ngay bên dưới tiêu đề tương ứng.

CÁCH SỬ DỤNG
1. Trong khi học, hãy mở đầu phần ghi chú bằng một dấu đầu dòng rồi viết ra chủ đề chính.
2. Đặt chủ đề phụ đầu tiên ngay bên dưới, hơi lùi vào bên phải.
3. Liệt kê bất kì chi tiết nào bên dưới phần tiêu đề, nhớ lùi vào bên phải một chút nữa.



4. Phương pháp chia cột

Phương pháp ghi chú theo cột dùng các cột để sắp xếp thông tin. Phương pháp này hữu ích đối với bài học nào chứa nhiều sự kiện hoặc các chủ đề có liên quan.

ƯU ĐIỂM:
Các sự kiện được sắp xếp theo trật tự, dễ ôn lại.
Có thể đánh dấu từng mảng thông tin trong mỗi chủ đề.

CÁCH TRÌNH BÀY NHƯ THẾ NÀO?
Trang giấy được chia thành nhiều cột, đặt tên theo mục.
Chi tiết trong từng mục được ghi vào các hàng bên dưới.

CÁCH SỬ DỤNG
1. Thông tin về mục nào được nhắc đến thì ghi ngay bên dưới mục đó.
2. Đến chủ đề tiếp theo thì xuống dòng để ghi lại.



5. Phương pháp ghi chú theo câu

Phương pháp ghi chú theo câu đơn giản là viết mỗi chủ đề thành một câu ghi chú. Phương pháp này hữu ích khi bài học có nhịp độ nhanh và chứa nhiều thông tin.

ƯU ĐIỂM:
Việc ghi lại những trọng điểm giúp xác định được thông tin nào quan trọng.
Có thể nhanh chóng nắm được nhiều chi tiết và thông tin.
Loại ghi chú đơn giản cho việc học bài và ôn bài.

CÁCH TRÌNH BÀY
Từng dòng trên trang giấy đều là một chủ đề mới và riêng biệt. Muốn cho các dòng ghi chú được đâu ra đó có thể dùng các dòng tiêu đề cho từng chủ đề.

CÁCH SỬ DỤNG
1. Viết ra những thông tin quan trọng mà giáo viên nhấn mạnh.
2. Có thể viết thành câu hoặc thành ý nhỏ.
3. Mỗi chi tiết là một câu hoặc ý mới.
4. Sử dụng các dòng tiêu đề để sắp xếp các ý theo chủ đề chính.









Xem thêm