Phú sông Bạch Đằng (Bạch Đằng giang phú)

I. Tiểu dẫn

- Trương Hán Siêu (? - 1354) tự là Thăng Phủ, người làng Phúc Am, huyện Yên Ninh (nay là thành phố Ninh Bình) là môn khách của Trần Hưng Đạo, tính tình cương trực, học vấn uyên thâm, sinh thời được các vua Trần kính trọng.

- Bạch Đằng giang phú (Phú sông Bạch Đằng) được sáng tác khoảng 50 năm sau chiến thắng Bạch Đằng (1288 - 1350).

- Tác phẩm mang đặc trưng cơ bản của thể phú (được viết bằng văn vần, văn xuôi hoặc văn biền ngẫu, bằng chữ Hán hoặc chữ Nôm), nội dung thường tả cảnh vật, sự việc, phong tục, bàn chuyện đời... để người nghe tự nhận xét.

II. Văn bản (SGK)

1. Vị trí chiến thắng Bạch Đằng trong lịch sử và đề tài Bạch Đằng trong văn học. Bố cục bài Phú sông Bạch Đằng và một số từ khó, điển tích, điển cố.

- Sông Bạch Đằng là nơi Ngô Quyền đã đánh tan quân xâm lược Nam Hán, bắt sống Hoằng Thao, năm 1288, nhà Trần tiêu diệt giặc Mông Nguyên, bắt sống Ô Mã Nhi.

- Sông Bạch Đằng là nguồn cảm hứng bất tận cho nhiều tác giả như Bạch Đằng giang của Trần Minh Tông; Bạch Đằng giang của Nguyễn Sường, Bạch Đằng hài khẩu của Nguyễn Trãi, Hậu Bạch Đằng giang phú của Nguyễn Mộng Tuân...

- Bố cục mỗi bài phú thường có bốn đoạn: Mở đầu, đoạn giải thích, đoạn bình luận và đoạn kết.  Bố cục bài Phú sông Bạch Đằng của Trương Hán Siêu cũng bao gồm bốn đoạn.

+ Đoạn 1 từ “Khách có kẻ... luống còn lưu”: Giới thiệu nhân vật “khách” và tráng trí của ông.

+ Đoạn 2 từ “Bên sông các bô lão... chừ lệ chan”: Cuộc gặp gỡ bên sông và câu chuyện của các bô lão.

+ Đoạn 3 từ “Rồi vừa đi... lưu danh”: Lời bình luận của các bô lão.

+ Đoạn 4 còn lại: Lời kết, bình luận của nhân vật “khách”.

- Đọc chú thích để hiểu nghĩa của những từ khó, các điển tích, điển cố như: Nguyên, Tương, Vũ Huyệt, Đầm Vân Mộng, Tử Trường, Hợp Phì, Xích Bích...

2. Nhận xét về nhân vật “khách” trong đoạn mở đầu:

- Nhân vật “khách” có thể là chính tác giả, tuy tuổi đã già nhưng “tráng trí vẫn còn tha thiết” nên ông đã học người xưa đi khắp nơi thưởng ngoạn phong cảnh, mở rộng hiểu biết, sống cuộc đời tự do tự tại.

- “Khách” là người mang tính chất tráng sĩ phóng khoáng, mạnh mẽ, đồng thời cũng là người ham thích du ngoạn, đi nhiều, biết rộng, làm bạn với gió trăng, qua nhiều miền sông bể.

- “Khách” tìm đến những địa danh lịch sử (đặc biệt là Bạch Đằng) để ngợi ca và suy ngẫm.

- Nhân vật “khách” tuy có tính chất công thức của thể phú nhưng dưới ngòi bút tài hoa của Trương Hán Siêu đã trở thành một nhân vật sinh động. “Khách" chính là cái tôi tác giả - người mang tính cách tráng sĩ với tâm hồn nhạy cảm và tấm lòng ưu ái đối với lịch sử đất nước.

- Cái tráng chí bốn phương của nhân vật “khách” được gợi lên qua những địa danh, “khách” đã “đi qua” hai loại địa danh, địa danh trong điển cố Trung Quốc (Nguyên, Tương, Vũ Huyệt, Cửu Giang, Ngũ Hồ, Tam Ngô, Bách Việt...) và địa danh của Đất Việt (cửa Đại Than, bến Đông Triều, sông Bạch Đằng...). Loại địa danh thứ hai thể hiện tráng chí bốn phương, mang tính cụ thể, thể hiện tình yêu đất nước, tâm hồn ưu ái đối với cảnh trí non sông.

3. Cảm xúc của “khách” trước khung cảnh thiên nhiên sông Bạch Đằng: Phấn khởi, tự hào? Buồn thương tiếc nuối vì những giá trị đang lùi vào quá khứ?

- Trước hình ảnh Bạch Đằng “bát ngát sóng kình môn dặm”, “thướt tha đuôi trĩ một màu” với “nước trời...”, “Phong cảnh...”, “bờ lau..”, “bến lách”... “khách” có tâm trạng vui buồn lẫn lộn, vui vì tự hào trước lịch sử oai hùng của dân tộc nhưng buồn vì tiếc nuối xót thương những anh hùng đã khuất.

- Đây là một nỗi buồn cao đẹp mang tính nhân văn với giọng văn man mác, bâng khuâng.

4. Vai trò của hình tượng các bô lão trong bài phú? Chiến tích trên sông Bạch Đằng đã được gợi lên như thế nào qua lời kể của các bô lão? Thái độ, giọng điệu của họ khi kể chuyện?

- Ở đoạn 1, nhân vật “khách” là cái tôi của nhà văn, ở đoạn 2 nhân vật các bô lão là hình ảnh của tập thể, vừa đại diện cho nhân vật địa phương vừa là chứng nhân của lịch sử đồng thời cũng có sự phân thân của tác giả. Nhân vật các bô lão là những chứng nhân lịch sử, từ đó dựng lên những trận thủy chiến Bạch Đằng (qua lời kể).

- Các bô lão kể chuyển xưa với ngôn từ sống động, lời lẽ trang trọng, những kì tích trên sông được tái hiện qua cách liệt kê sự kiện trùng điệp, các hình ảnh đối nhau, bừng bừng không khí chiến trận với thế giằng co quyết liệt. Đây là chiến trận từ thời Ngô Quyền đến Trần Hưng Đạo nhưng trọng tâm là chiến thắng “buổi trùng hưng”... với trận thủy chiến ác liệt, dòng sông nổi sóng “Muôn đội thuyền bè tinh kì phấp phới”, khí thế “hùng hổ”, “sáng chói”. Khói lửa mù trời, tiếng gươm khuya, tiếng quân reo khiến “ánh nhật nguyệt chừ phải mờ/Bầu trời đất chừ sắp đổi”. Trận đánh “kinh thiên động địa” được tái hiện bằng những nét vẽ thần tình của tác giả qua việc vận dụng phối hợp giữa âm thanh, màu sắc, trực cảm và tưởng tượng.

- Những hình ảnh điển tích được sử dụng chọn lọc, phù hợp với lịch sử (Xích Bích, Hợp Phì...) góp phần diễn tả tài đức của vua, tôi nhà Trần và chiến thắng Bạch Đằng như một bài thơ tự sự đậm chất hùng ca.

- Kết thúc đoạn 1, tác giả viết “Đến sông đây chừ hổ mặt/Nhớ người chừ lệ chan”. Đây vẫn là lời các bô lão nhưng nghe trong đó có giọng của “khách”. Niềm cảm hoài của các bô lão gặp niềm sững sờ buồn, tiếc của “khách” tạo nên sự cộng hưởng của cái tôi tác giả.

5. Lời ca của các vị bô lão và lời ca nối tiếp của “khách” nhằm khẳng định điều gì?

- Đoạn 3 của bài phú chứa nhiều suy ngẫm triết lí. Lời ca của các  bô lão mang âm hưởng của dòng sông sử thi, dòng sông cuộc đời. Một chân lí vĩnh cửu cũng chảy mãi như dòng sông: Bất nghĩa thì tiêu vong, anh hùng thì lưu danh thiên cổ.

- Lời nối tiếp của "khách" có ý nghĩa tổng kết, vừa ca ngợi công đức hai vị vua anh minh, vừa bày tỏ khát vọng hòa bình muôn thuở, yếu tố được nhấn mạnh, nêu cao là “Bởi đâu đất hiểm, cốt mình đức cao”. Đó là tư tưởng nhân văn cao đẹp của dân tộc ta.

6. Phát biểu về giá trị nội dung và nghệ thuật của bài phú

- Giá trị nội dung: Phú sông Bạch Đằng thông qua việc tái hiện lại không khí chiến thắng hùng tráng của những trận đánh trên sông Bạch Đằng đã thể hiện lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc, tư tưởng nhân văn cao đẹp.

- Giá trị nghệ thuật: Bài phú sử dụng nhiều hình ảnh, điển tích chọn lọc, kết hợp với sự sáng tạo hình tượng nhân vật “khách” và nhân vật “các bô lão”, một nhân vật đại diện cho hiện tại và một nhân vật là chứng nhân lịch sử. Trong mỗi nhân vật có sự phân thân của cái tôi tác giả, một cái tôi tráng sĩ có tâm hồn nhạy cảm và tấm lòng ưu ái đối với lịch sử, với đất nước.

- Bài Phú sông Bạch Đằng là đỉnh cao nghệ thuật của thể phú trong nền văn học Việt Nam thời trung đại.